Thứ 6, 29/3/2024 Tin tức & Sự kiện  > Thông tin y học

Thủy đậu - Cách chăm sóc và phòng ngừa

23/03/2010 19:48 GMT+7

Bệnh thủy đậu, còn gọi là bệnh trái rạ hoặc phỏng rạ
Không điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Thủy đậu vốn là bệnh không quá nghiêm trọng, song nếu không được phát hiện, cũng như điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như dẫn tới viêm não, viêm phổi thậm chí có thể tử vong.
Lúc này đang là thời gian cao điểm của căn bệnh này, chính vì vậy các bậc phụ huynh cần biết những dấu hiệu ban đầu cũng như cách chăm sóc nếu con bạn bị mắc bệnh thuỷ đậu.         
Bệnh thủy đậu, còn gọi là bệnh trái rạ hoặc phỏng rạ. Khi mắc bệnh này trẻ thường có triệu chứng sốt nhẹ, sổ mũi, biếng ăn, không chịu chơi và ngứa. Với những trẻ lớn có thể bị đau mỏi các khớp rồi sau 2-3 ngày thì bắt đầu mọc các nốt đậu...
Lúc mới phát bệnh, trên da trẻ sẽ bị nổi ban, giống ban sởi. Ban mọc khắp nơi, không theo một trình tự nhất định. Với căn bệnh này, nếu để bị bội nhiễm vi khuẩn, nốt đậu sẽ mọc mủ, sưng to và rất ngứa, có thể gây biến chứng, nguy hiểm tới tính mạng.
Do vậy khi trẻ bị thuỷ đậu, các bậc phụ huynh cần đưa con tới trung tâm y tế để được khám và điều trị đúng cách:
- Cho trẻ nghỉ học từ 7-10 ngày để tránh lây lan bệnh ra cộng đồng
- Giữ da của trẻ luôn sạch sẽ
- Thường xuyên cắt móng tay để tránh gãi gây xước và nhiễm trùng da
- Nhỏ mắt, mũi thuốc sát khuẩn như Chloramphenicol 4 phần nghìn hoặc Argyrol 1% (3-4 lần/ngày)
- Hạ sốt bằng paracetamol (không được dùng Aspirin)
- Bôi kem Acyclovir 5% để giảm ngứa, hạn chế thương tổn và bội nhiễm. Những trường hợp nặng, cho uống Acyclovir. Khi nốt phỏng vỡ, bôi thuốc xanh methylen để bớt nhức và ngừa bội nhiễm vi khuẩn
- Không được bôi mỡ tetracyclin, mỡ penicillin hay thuốc đỏ…
Tuy nhiên để ngăn ngừa căn bệnh này một cách hữu hiệu thì cần phải tiêm vaccin phòng thủy đậu cho trẻ.
- Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi: tiêm 1 mũi duy nhất (tiêm dưới da 0,5 ml).
- Trẻ từ 13 tuổi trở lên & người lớn: tiêm 2 mũi, mũi thứ 2 cách mũi đầu 6-10 tuần.
Do là bệnh dễ lây nhiễm, nên ngoài việc tránh tiếp xúc, những người xung quanh cũng không được ăn, uống hoặc dùng chung đồ đạc, vật dụng, quần áo của người bệnh. Các bà mẹ khi chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn trước và sau khi chăm sóc, tránh tiếp xúc trực tiếp với nốt phỏng.
Lưu ý, phụ nữ mang thai không được thăm nom hay chăm sóc người bị thuỷ đậu. Sau thời gian trị bệnh, trước khi cho trẻ trở lại lớp học, cần tắm gội sạch vẩy các nốt phỏng rạ.

                                                                                                         (Nguồn: www.cimsi.org.vn)