12 lưu ý trong chăm sóc bàn chân người bệnh đái tháo đường

02/06/2010 20:43 GMT+7

1. Kiểm soát lượng đường huyết và các bệnh lý kèm theo Chọn lựa lối sống lành mạnh, khoa học là cách giúp lượng đường, huyết áp và lượng cholesterol trong máu luôn ở mức bình thường. Đó là cách hữu hiệu để ngăn ngừa và trì hoãn bệnh lý bàn chân đái tháo đường (ĐTĐ) cũng như bệnh lý liên quan tới tim, mắt, thận do ĐTĐ gây ra.

1. Kiểm soát lượng đường huyết và các bệnh lý kèm theo

Chọn lựa lối sống lành mạnh, khoa học là cách giúp lượng đường, huyết áp và lượng cholesterol trong máu luôn ở mức bình thường. Đó là cách hữu hiệu để ngăn ngừa và trì hoãn bệnh lý bàn chân đái tháo đường (ĐTĐ) cũng như bệnh lý liên quan tới tim, mắt, thận do ĐTĐ gây ra.

Cần có kế hoạch theo dõi đường huyết định kỳ và kiểm tra các thông số huyết áp, cholesterol trong máu. Sử dụng thuốc theo qui định của bác sĩ. Ăn uống hợp lý. Hoạt động thể chất hàng ngày. Ngưng hút thuốc lá.

2. Kiểm tra bàn chân mỗi ngày

Với người có bệnh lý ĐTĐ nên tự kiểm tra bàn chân mỗi ngày, đó là cách tốt nhất để bảo vệ bàn chân. Đôi khi bàn chân sẽ chẳng có dấu hiệu nào như: đau, loét, đốm đỏ hay sưng. Nhưng hãy kiểm tra chân của bạn như một thói quen hàng ngày.

Hãy dùng một tấm gương nhỏ soi khắp bàn chân từ lòng tới những kẻ chân, nơi khó quan sát, để có thể thấy được những bất thường dù là nhỏ nhất.

3. Rửa chân mỗi ngày

Rửa chân mỗi ngày bằng nước ấm. Không nên ngâm chân trong nước quá lâu, tránh làm khô da. Luôn thử nhiệt độ của nước để tránh quá nóng. Luôn làm khô các kẽ chân sau khi rửa, có thể sử dụng các loại phấn, bột talc để giữ da khô ở các kẽ ngón chân.

4. Luôn giữ da chân mềm mại

Nếu da chân của bạn thường hay bị khô và vảy sừng, có thể dùng kem làm mềm da hay vaselin để làm mềm da, nhất là vùng gót và những vùng tì đè khi đi lại. Tránh không được thoa kem làm mềm vào các kẽ chân, vì đó là điều kiện để gây nên các vết nhiễm trùng nếu có trầy xước.

5. Giữ gót chân không bị chai, vảy sừng

Nếu gót chân của bạn bị chai hoặc nhiều vảy sừng, nên hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về việc chăm sóc. Có thể làm bớt vảy sừng ở gót chân bằng cách chà vào đá bọt hay dụng cụ chuyên dụng để loại bỏ tế bào da chết. Tránh chà nhiều, mạnh gây tổn thương da. Tuyệt đối không tự ý cắt da vùng gót chân và vảy sừng hay sử dụng dao để bào vùng da dày.

6. Cắt móng chân mỗi tuần hay khi cần

Không nên để móng chân quá dài, hãy cắt ngắn mỗi tuần hay khi móng chân quặp vào da gây đau. Các móng nên được cắt tròn viền, không nên để góc cạnh. Tránh lấy khóe móng quá nhiều vì có thể làm tổn thương da.

7. Luôn mang giày và vớ mềm

Tránh tình trạng đi chân trần ngay cả đi trong nhà vì bàn chân của bạn có thể giẫm phải những dị vật có thể làm tổn thương lòng bàn chân. Luôn mang vớ mềm, ít mối ráp kèm theo để tránh những vết chai da do giày, dép cọ sát lâu ngày để lại. Đế giày hay dép phải thật mềm.

8. Bảo vệ chân trước môi trường quá nóng hoặc lạnh

Khi đi trên đường đất nóng hay bãi biển phải luôn mang giày. Có thể dùng kem chống nắng hoặc mềm da để tránh da bị cháy. Tránh xa đôi chân ra các nguồn nhiệt như: bếp, lò sưởi, nước nóng vì bạn có thể bị phỏng mà không biết. Tối khi ngủ hãy mang vớ tránh lạnh bàn chân, hay khi thời tiết trở lạnh hãy luôn kiểm tra bàn chân, tránh tình trạng tê cóng.

9. Luôn giữ dòng máu lưu thông tốt ở chân

Khi ngồi hãy để thẳng chân, tránh tình trạng tắc mạch máu do gập gối quá lâu. Luôn cử động cẳng, bàn chân mỗi 5 phút hay nhón gót tại chỗ nhằm tăng co bóp các cơ vùng cẳng chân giúp máu lưu thông tốt hơn. Không nên mang vớ và quần quá chật.

10. Tăng cường hoạt động thể chất

Tham khảo với bác sĩ chuyên khoa về chế độ hoạt động thể chất. Hãy tập luyện mỗi ngày 30 phút. Các môn thể dục có thể thực hiện được: đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội,… Tránh các hoạt động gắn sức hoặc các hoạt động làm tăng áp lực tì đè lên bàn chân: chạy, nhảy… Phải luôn khởi động làm nóng trước khi thực hiện các bài tập luyện. Mang giày thể thao phù hợp.

11. Liên lạc tốt với bác sĩ chăm sóc gia đình

Luôn luôn hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện bất cứ những hoạt động nào. Vì đôi khi những hoạt động đó có thể làm nặng thêm tình trạng tổn thương bàn chân của bạn. Hãy tái khám ngay khi bàn chân có biểu hiện bất thường: đau, loét, đốm đỏ hay sưng... Kiểm tra cảm giác của bàn chân mỗi lần đi khám ít nhất 1 lần/năm. Cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe và cách tự chăm sóc bàn chân tại nhà để nhận được lời khuyên.

12. Hãy thực hiện ngay từ bây giờ

Hãy tự chăm sóc bàn chân của bạn ngay từ bây giờ dù chưa có biểu hiện gì. Lên kế hoạch chăm sóc theo các bước đã nêu trên. Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết cho việc chăm sóc bàn chân của bạn.

BS. TRỊNH TRUNG TIẾN

(Nguồn http://www.suckhoedoisong.vn)