Việt Nam - đất nước ta mang dáng hình chữ S, với bờ biển trải dài 3.260 Km; vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 1 triệu Km2 với trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ các loại. Diện tích các đảo rộng khoảng l.700 km2.; có 82 hòn đảo rộng hơn l km2; có 23 đảo có diện tích trên l0 km2; có 3 đảo có diện tích trên l00 km2.
Hệ thống đảo hình thành một vòng cung rộng lớn chạy suốt từ vùng biển Vịnh Bắc Bộ đến vùng biển phía Nam và Tây Nam của đất nước, được chia thành 3 nhóm chính: Đảo xa bờ gồm: Hoàng Sa, Trường Sa, Nam Yết, Sinh Tồn, Bạch Long Vỹ, Côn Đảo, Thổ Chu. Đảo tuyến giữa: Cô Tô, Lý Sơn, quần đảo Nam Du, Cù Lao Thu (Phú Quý), Phú Quốc... Đảo ven bờ: Cái Bầu, Cát Bà, Cồn Cỏ, Hòn Tre, Hòn Khoai...
Biển nước ta có nguồn tài nguyên tiềm tàng, nếu biết khai thác và khai thác đúng nguồn tài nguyên đó thì làm cho nước ta ngày càng giầu và mạnh lên từ biển. Đây là một vấn đề có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với công cuộc phát triển đất nước, trong đó nổi bật là dầu khí, ngoài ra còn nhiều loại khoáng sản phổ biến khác như: than, sắt, ti tan, cát thủy tinh..., hải sản và cả những tài nguyên có giá trị năng lượng cao mà khoa học hiện đại mới phát hiện. Với hệ thống biển, đảo và tiềm năng của nó đã tạo cho Việt nam có một vị địa thế đặc biệt quan trọng trong xây dựng phát triển kinh tế xã hội, quan hệ quốc tế và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Cán bộ công nhân viên lao động trong lĩnh vực đảm bảo an toàn hàng hải của ngành Giao thông vận tải có vị trí rất đặc biệt trong thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đó. Công việc của người lao động ở đây là hàng ngày vật lộn với với sóng gió của biển cả giữ vững các phao tiêu, ổn định các luồng lạch đảm bảo an toàn cho hàng nghìn đoàn tàu quốc gia và quốc tế ra vào các bến cảng. Trên những hòn đảo xa bờ khắc nghiệt giữa biển khơi, công nhân lao động đèn đảo ngày đêm làm việc, canh gác để đảm bảo cho ánh sáng của ngọn hải đăng tỏa sáng mãi mãi để hướng dẫn đường đi cho những con tàu giữa trùng khơi mênh mông. Hoạt động của công nhân lao động đèn đảo, hoạt động các ngọn hải đăng còn khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam chúng ta. Công việc của người công nhân lao động giao thông vận tải trong đảm bảo an toàn hàng hải, của công nhân lao động trên các đèn đảo thật là vinh quang. Công việc của họ rất đáng tự hào, nhưng mấy ai hiểu được đằng sau họ là điều kiện sinh hoạt và điều kiện chăm sóc sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần khó khăn như thế nào?
Cuộc sống của người công nhân tại các đảo thực sự khắc nghiệt, các điều kiện đảm bảo về cuộc sống như nước ngọt, rau xanh, lương thực, thực phẩm hầu hết phải chờ từ nguồn cung cấp từ đất liền. Biển rộng mênh mông xa bờ, cách biệt với môi trường sống sôi động hàng ngày của đất liền; công việc khó khăn thầm lặng, xa nhà ; điều kiện vui chơi giải trí thiếu thốn là những yếu tố thuận lợi tạo ra tình trạng căng thẳng, ức chế thần kinh dẫn đến những bệnh rối loạn tâm sinh lý không có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó những dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, các bệnh đường tiêu hóa (do thiếu nước ngọt, rau xanh, thực phẩm tươi ...) cũng thường xuyên đe dọa đến sức khỏe người lao động.
Trước đặc điểm và tính chất lao động đó, giải pháp nào để chăm sóc đảm bảo sức khỏe cho người lao động đèn đảo ; phương án nào để giải quyết tình trạng người lao động không may bị bệnh cấp tính cần được xử lý kịp thời mới đảm bảo được tính mạng ? Đây là những vấn đề các Tổng công ty đảm bảo an toàn hàng hải và Cục Y tế GTVT rất quan tâm và chú ý. Hàng năm các đơn vị Đảm bảo an toàn hàng hải đã phối hợp với y tế Ngành GTVT tổ chức đoàn công tác đến từng đảo để thanh khiết môi trường, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và khám chữa bệnh trực tiếp cho người lao động.
Tháng 7 năm 2011, Cục Y tế GTVT đã thành lập đoàn cán bộ y tế với đầy đủ trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm chẩn đoán bệnh, điện tâm đồ, xét nghiệm máu, nước tiểu … cùng với thuốc điều trị, thuốc hóa chất thanh khiết môi trường đã khám và điều trị cho trên 300 công nhân lao động của ngành trực tiếp tại các đảo Cô Tô, đảo Trần, đảo Hạ Mai, đảo vĩnh Thực, đảo Dáu, đảo Bạch Long Vĩ, đảo Long Châu, đèn Ba Lạt, luồng cảng Diêm Điền Vạn gia, Hòn Gai, Nam Triệu… Việc chăm sóc sức khỏe trực tiếp tại các đèn đảo sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh về tim mạch, hệ tiêu hoá, hệ hô hấp, hệ tiết niệu, cơ xuơng khớp, thần kinh. Những trường hợp bệnh nhẹ sẽ được điều trị ngay tại đảo, những trường hợp nặng được đưa về đất liền điều trị kịp thời đảm bảo tính mạng cho người lao động.
Đoàn cán bộ Cục Y tế khám chữa bệnh tại Hải Đăng Bạch Long Vĩ
Đoàn cán bộ Cục Y tế khám chữa bệnh và tặng quà cho công nhân
Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc
Cán bộ Y tế GTVT khám chữa bệnh tại Đảo Trường Sa lớn
Việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho công nhân lao động đèn đảo cũng là công việc lặng lẽ, thầm lặng và rất đặc thù của y tế ngành GTVT. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe lao động đèn đảo còn có ý nghĩa quan trọng trong chăm lo đời sống tinh thần và động viên người lao động của ngành nói chung và công nhân lao động đèn đảo nói riêng an tâm hoàn thành tôt nhiệm vụ, góp phần nhỏ bé vào bảo vệ vững chắc biển trời tổ quốc./.
BSCK2. Vũ Văn Triển