Nhân kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống Ngành GTVT, ngày 22/8/2011, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã gửi thư chúc mừng tới toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức lao động Ngành GTVT. Sau đây là toàn văn thư của Bộ trưởng Đinh La Thăng:
THƯ GỬI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG NGÀNH GTVT NHÂN KỶ NIỆM 66 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH GTVT (28/8/1945 – 28/8/2011)
_____________
Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2011
Kính gửi: Các đồng chí cán bộ, công nhân, viên chức, lao động Ngành GTVT
Nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống Ngành GTVT Việt Nam (28/8/1945–28/8/2011), thay mặt Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ GTVT, tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể các đồng chí cán bộ, công nhân, viên chức, lao động Ngành GTVT Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 66 năm qua, mỗi cán bộ, kỹ sư, công nhân viên Ngành GTVT đều có quyền tự hào rằng: Ngành GTVT đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước của cả dân tộc. Trong mỗi bước tiến của đất nước đều có sự đóng góp của những con đường, cây cầu, sân bay, bến cảng; có sự hy sinh xương máu của nhiều cán bộ, sự góp công, chung sức, chung lòng của tất cả đội ngũ những người lao động Ngành GTVT Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 66 năm truyền thống Ngành GTVT, thay mặt toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, lao động Ngành GTVT xin cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, các Bộ, ngành, chính quyền và nhân dân các địa phương trong cả nước.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, tôi xin bày tỏ ở đây tình cảm “Uống nước nhớ nguồn”, sự trân trọng, biết ơn đối với những đóng góp không mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Ngành GTVT các thời kỳ. Đối với chúng tôi, những gì các thế hệ cha anh đã xây dựng trong suốt 66 năm qua sẽ luôn là “bệ phóng” vững chắc để Ngành GTVT vươn cao, vươn xa hơn trong tương lai.
Ngành GTVT chúng ta kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống trong một bối cảnh hết sức đặc biệt. Đây là thời điểm mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang bước vào giai đoạn phát triển mới với trọng tâm là thực hiện ba khâu đột phá chiến lược; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế mà Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã đề ra.
Nhiệm vụ của ngành GTVT được đã xác định hết sức rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2011 – 2020, đó là: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Trong nhiệm kỳ 2011 – 2015 này, nhiệm vụ của ngành GTVT là phải tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới các đoạn tuyến đường bộ, đường bộ cao tốc Bắc – Nam; Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông ở những vùng có dung lượng hàng hóa lớn, các địa bàn thuộc các cực tăng trưởng, kết nối với các vùng miền, với khu vực và quốc tế, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh, thúc đẩy tăng trưởng của cả nước; Hiện đại hóa và nâng cao năng lực các dịch vụ tổng hợp của 3 cảng biển lớn ở 3 khu vực: Hải Phòng, TP HCM - Vũng Tàu và Miền Trung; Phát triển nhanh hệ thống giao thông đô thị, nhất là giao thông công cộng; Phối hợp giải quyết nạn ùn tắc và úng ngập ở Thủ đô Hà Nội và TP HCM.
Trong bối cảnh nguồn lực của đất nước còn hạn chế, những mục tiêu được đề ra là rất cao, rất nặng nề. Để có thể thực hiện thành công mũi đột phá này, cùng với việc xác định chính xác, xây dựng kế hoạch hợp lý, ngành GTVT chúng ta phải có biện pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả, giải phóng được tất cả nguồn lực của xã hội, tạo nên những cú hích đủ lớn để giải quyết thành công từng nhóm nhiệm vụ đã đề ra.
Bước đột phá này phải được thể hiện ở trong tư duy, tầm nhìn chiến lược; trong cách vận động, thu hút các nguồn lực trong, ngoài nước; và trong tổ chức thực hiện, bao gồm cả những vấn đề về thể chế chính sách nhằm phát huy tối đa hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng trong tương lai.
Khó khăn càng trở nên nặng nề hơn khi cùng với việc thực hiện các mục tiêu mang tính dài hạn, các đơn vị trong ngành đang phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách đầu tư cho giao thông bị cắt giảm mạnh, việc đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác các dự án giao thông quan trọng, đi đôi với hạn chế tối đa những tác động tiêu cực tới đời sống, việc làm của người lao động, đảm bảo sự phát triển bền vững là những đòi hỏi bức thiết đặt ra với toàn Ngành.
Đây là những nhiệm vụ hết sức nặng nề, chưa từng có trong suốt lịch sử phát triển của ngành GTVT chúng ta; đồng thời là vinh dự to lớn mà Đảng và Tổ quốc một lần nữa trao cho Ngành GTVT chúng ta với trọng trách “đi trước mở đường”, là một mũi đột phá quan trọng, tạo tiền đề để cả nước cất cánh.
Rõ ràng, cả quá khứ và tương lai đang đòi hỏi Ngành GTVT phải nỗ lực hơn nữa, “dũng cảm, thông minh, sáng tạo” hơn nữa. Hơn lúc nào hết, niềm tự hào về thành tích 66 năm qua cần được chuyển hoá thành sức mạnh hành động để Ngành GTVT có thể thực hiện thành công nhiệm vụ nặng nề được Đảng, nhân dân giao phó.
Với tinh thần đó, nhân dịp 66 năm Ngày truyền thống nNành GTVT, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, lao động Ngành GTVT trên tất cả các cơ quan, đơn vị, trên tất cả các vị trí công tác hãy dấy lên trong mình lòng nhiệt huyết, khát vọng cống hiến, tinh thần đoàn kết, phấn đấu, phát huy mạnh mẽ truyền thống 66 năm bằng những việc làm vượt lên chính mình, quyết tâm làm cho tương lai của Ngành GTVT ngày càng tươi sáng hơn, để Ngành GTVT phát triển mạnh mẽ và bền vững, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đất nước.
Tôi có niềm tin sâu sắc vào sức mạnh đoàn kết của đội ngũ CBCNVC Ngành GTVT. Toàn Ngành GTVT với tinh thần quyết tâm và ý chí tiến công chắc chắn sẽ không lùi bước trước những khó khăn hiện tại, nhanh chóng vượt qua và vươn lên để viết tiếp những trang sử vẻ vang của Ngành GTVT Việt Nam, xứng đáng với truyền thống hào hùng 66 năm qua.
Đinh La Thăng
Uỷ viên Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ GTVT