Thứ 3, 10/9/2024 Tin tức & Sự kiện  > Thông tin y học

15 vị trí quanh nhà cần xử lý để phòng sốt xuất huyết

18/10/2010 2:1 GMT+7

Trong thời gian qua, sốt xuất huyết đã phát triển và bùng phát thành dịch ở một số nơi. Mặc dù công tác truyền thông giáo dục sức khỏe triển khai một cách tích cực, vận động cộng đồng cùng tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống nhưng trên thực tế hiệu quả đạt được còn hạn chế. Đã có nhiều người bị mắc bệnh trong cùng một nhà, vì vậy gia đình cần kiểm tra vị trí quanh nhà ở là các điểm sinh sản của loài muỗi vằn truyền bệnh để xử lý.

 

Vị trí muỗi truyền bệnh sinh sản quanh nhà

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Aedes aegypti thường thích đẻ trứng ở những chỗ chứa nước sạch tạm thời ở trong nhà và quanh nhà. Trứng sẽ phát triển qua các giai đoạn bọ gậy, cung quăng và muỗi trưởng thành để thực hiện vai trò truyền bệnh sốt xuất huyết. Phần lớn những nơi chứa nước sạch ở quanh nhà chỉ là tạm thời, thường là nước mưa. Các vũng nước mưa ở trong vườn có thể khô cạn sau vài ngày hoặc vài tuần. Các điểm sinh sản quanh nhà của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có thể tìm thấy ở nhiều nơi. Vì vậy cần phải kiểm tra thường xuyên để xử lý những chỗ này nhằm góp phần trong việc phòng bệnh, nhất là khi dịch bệnh có khả năng phát triển.

Các điểm sinh sản quanh nhà của muỗi thường gặp:

1.Các can đựng và vật chứa bằng nhựa không sử dụng.

2.Chai, lọ bằng thủy tinh hoặc bằng nhựa.

3.Vỏ dừa, gáo dừa.

4.Lốp xe cũ các loại.

5.Lu, vại chứa nước, thùng phi.

6.Bể chứa nước.

7.Bẹ lá cây chuối.

8.Máng nước trên mái nhà.

9.Kỷ đựng chậu cây cảnh.

10.Các mảnh vỡ của vỏ chai cắm trên tường để chống trộm.

11.Các khuôn gạch hoa làm tường không sử dụng.

12.Rìa trên của tường nhà.

13.Các hố tường hàng rào quanh nhà.

14.Các hố cây, hốc cây.

15.Các ống tre, nứa làm hàng rào quanh nhà.

Biện pháp xử lý

Khẩu hiệu hành động của ngành y tế là “Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Vì vậy mọi người, mọi nhà cần có nhận thức đầy đủ về vấn đế này để thực hiện các biện pháp can thiệp bằng cách xử lý, hủy bỏ, triệt phá những nơi đã nêu trên vì nó có khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản, đẻ trứng, phát triển và truyền bệnh.

Biện pháp đơn giản nhất là xử lý rác thải an toàn thông qua hệ thống thu gom rác hoặc đem chôn, đậy kín các lốp xe cũ không sử dụng hoặc vất bỏ đi, lấp các hố tường bằng cát hoặc xi măng, thường xuyên nạo vét máng nước; lấp đầy các hố cây, hốc cây bằng cát hoặc xi măng; cắt các ống tre, nứa làm hàng rào đến sát đốt; che lu, vại chứa nước bằng nắp đậy khít, che miệng thùng phi bằng vải hoặc lưới...

Đơn cử một trường hợp, trong đợt sốt xuất huyết bùng phát vừa qua, đến thăm một gia đình có cả 4 người đều bị sốt; kiểm tra máng nước trên mái nhà tìm thấy nhiều chỗ nước mưa đọng lại, đã phát hiện nhiều cá thể bọ gậy và cung quăng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Aedes aegypti. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều người trong nhà bị mắc bệnh, kể cả người lớn và trẻ nhỏ. Gia đình đã được tư vấn, giải thích và hướng dẫn kiểm tra định kỳ máng nước, nạo vét máng nước thường xuyên. Khuyến cáo cần phải cọ rửa và cải tạo, nâng cao độ dốc của máng nước với tỷ lệ 1 cm độ dốc cho 10 m độ dài của máng nước để tránh nước đọng.

Phòng, chống sốt xuất huyết muốn hiệu quả cần phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng người dân. Khi bệnh đã bùng phát, việc phun hóa chất diệt muỗi để hạ thấp mật độ hoạt động của muỗi trưởng thành truyền bệnh chỉ là giải pháp tình thế. Phòng bệnh phải bắt đầu từ các biện pháp triệt phá những nơi muỗi sinh sản, đẻ trứng mới mang tính chủ động và bền vững. Các hộ gia đình có thể tự tiến hành được những biện pháp đơn giản, rẻ tiền và không cần phải có sự giúp đỡ, tư vấn từ bên ngoài.

                                                                                                  Sưu tầm: Phòng YTDP&CCYT

                                                                                                     (Nguồn  http://www.impe-qn.org.vn/impe-qn/)